Hành trình bền bỉ “hồi sinh” những dòng sông đen

Từ nhiều năm nay, tình trạng những dòng sông bị ô nhiễm trầm trọng trong lòng Hà Nội đã trở thành một bài toán nan giải cho cả cơ quan chính quyền và người dân sống xung quanh. Nước thải, rác thải từ các khu dân cư, khu sản xuất đổ thẳng xuống sông, không qua xử lý, bị tích tụ lâu ngày hay không được vớt lên đã khiến những dòng sông trở thành “dòng sông chết”.

Trước thực trạng đó, cuối năm 2022, chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Huy (sinh năm 1995) đã thành lập nhóm Hà Nội Xanh với mong muốn giúp cho môi trường sống trở nên xanh, sạch, đẹp. Chia sẻ với chúng tôi, Tiến Huy cho biết: “Tôi đã có khoảng 7-8 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, ghi nhớ hết tên các con sông bị ô nhiễm trên địa bàn. Tôi vẫn nhớ, hồi còn là sinh viên năm nhất, ở cạnh dòng sông Tô Lịch - một trong những con sông ô nhiễm nhất Hà Nội. Vào mùa nắng, từ dưới sông mùi hôi thối bốc lên rất sợ, ảnh hưởng tới sức khỏe”. Chính vì vậy, Tiến Huy quyết định nghỉ công việc văn phòng và chuyển sang làm một số công việc online để triển khai hoạt động dọn rác ở các con sông xung quanh nhà.

Những ngày đầu thành lập, Hà Nội Xanh chỉ có 3 thành viên. Sau vài buổi hoạt động, nhóm quyết định quay video đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền và lan tỏa thông điệp về môi trường với mong muốn những hành động của mình có thể tác động đến nhận thức và hành vi của cộng đồng. Sau hơn 2 tháng, nhóm đã có gần 200 thành viên với nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau nhưng đều chung một tình yêu to lớn với môi trường. Đến thời điểm hiện tại, nhóm đã có khoảng gần 400 thành viên.

Các thành viên của Hà Nội Xanh đều là những “chiến binh” chuyên đi dọn, vớt rác ở những con sông, con kênh, những nơi rác đang bị ùn tắc mà chưa được các cơ quan chức năng xử lý. Năm 2023, tần suất hoạt động của nhóm tương đối cao, nhóm có 1 buổi khảo sát địa điểm và tiến hành dọn từ 12 đến 15 buổi/tháng. Bước sang năm 2024, lượng rác cũng đã giảm đi đáng kể, tần suất hoạt động của nhóm giảm xuống chỉ còn 1 buổi/tuần.


Thời gian đầu hoạt động, nhóm đã gặp phải không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên là về con người. Người ít thì lượng công việc mỗi buổi hoạt động nhiều và vất vả hơn. Sau này có thêm nhiều bạn tình nguyện viên thì nhóm lại gặp khó khăn trong khâu quản lý,  phân công nhiệm vụ cho các bạn hay sắp xếp thời gian hoạt động. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất phải kể đến là kinh phí hoạt động. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng thật may mắn vì Hà Nội Xanh cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ và quan tâm từ cộng đồng. Từ những đôi găng tay, bộ đồ bảo hộ đến những cốc nước, suất cơm, suất cháo đã được trao đến tay từng tình nguyện viên, trở thành nguồn động lực lớn lao, tiếp thêm lửa để họ tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình.

Khát khao lấy lại từng “mảng xanh”

Dù phải tiếp xúc trực tiếp với chất thải có mùi khó chịu và tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch nhưng các thành viên Hà Nội Xanh vẫn hết mình với hoạt động làm sạch những con sông. Tuy nhiên, bên cạnh những sự ủng hộ nhiệt tình, nhóm cũng từng nhận về những phản hồi không mấy tích cực. “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” hay “Đem muối bỏ biển” là những nhận xét tiêu cực mà nhiều thành viên Hà Nội Xanh từng phải nghe. Trước thực tế đó, Tiến Huy chia sẻ: “Với tư cách là thủ lĩnh, người thắp lửa cho các thành viên, tôi luôn động viên các bạn rằng đây là những hoạt động mang lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, nếu thấy đó là việc làm tốt thì mình cứ làm thôi”.

Anh Phạm Khắc Tùng (sinh năm 1998, Hưng Yên), một thành viên đã gắn bó với nhóm được hơn 6 tháng, chia sẻ: “Tôi thấy công việc này rất ý nghĩa nhưng không phải ai cũng có can đảm để làm. Quá đó, chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến tất cả mọi người: Mỗi người có ý thức một chút, không vứt rác bừa bãi thì môi trường sẽ trở nên xanh - sạch - đẹp hơn.”